Xác thực về việc cách ly 7 người ở Mộc Châu có liên quan đến Virus corona

MỤC LỤC

Có phải Mộc Châu có dịch cúm do virus corona

Sáng ngày 8/3, trên mạng có đưa tin về việc Mộc Châu có 1 khách du lịch tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm virus Corona số 17. Nhiều người lo ngại về việc Mộc Châu có dịch. Mộc Châu Food sẽ cung cấp thông tin chính xác và giải thích rõ về điều này.

Theo báo Giao Thông, ông Khuất Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu cho biết: Chị Bùi Thị H, công tác tại bệnh viện Hồng Ngọc có tiếp xúc gián tiếp F4 (qua 4 tầng) với người có liên quan tới Bệnh nhân số 17, đã đi du lịch mộc Châu ngày 7.3. Song vừa đến nơi, chị đã quay về ngay để thực hiện cách ly. Trong thời gian tại Mộc Châu, chị có tiếp xúc với 7 người trong gia đình tại Homestay ở bản Áng (Homestay Bình Huy). 7 người trong gia đình đã được thông báo cách ly tại nhà để theo dõi, đồng thời phun khử trùng nơi ở.

Như vậy, có thể hiểu, cả chị H và 7 người của gia đình Homestay Bình Huy đều không phải người mang bệnh, mà chỉ có nguy cơ do đã tiếp xúc với những người đã tiếp xúc nhiều tầng với bệnh nhân số 17.

Như vậy khẳng định, tin đồn Mộc Châu có dịch là hoàn toàn sai sự thật.

Mộc Châu vẫn hoàn toàn an toàn với dịch cúm do vi rut corona gây ra

Chúng ta không chủ quan, nhưng cũng không nghe những thông tin thất thiệt dẫn đến hoảng loạn. Hãy hành động đúng, nghe thông tin chính thống và tự bảo vệ sức khỏe của mình theo khuyến cáo của bộ y tế:

Cách phòng ngừa dịch cúm do virus corona gây ra

Thường xuyên rửa tay với xà phòng, lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường.
Cách rửa tay: rửa bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây. Rửa nhiều lần trong ngày, sau khi tiếp xúc với dịch họng, hắt hơi của người khác,trước khi ăn và sau khi chế biến thực phẩm, sau khi tiếp xúc động vật, chất thải động vật.

Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và phương tiện giao thông. Với khẩu trang, nên vệ sinh đúng và sử dụng đúng cách.

Vậy khi nào và những ai cần đeo khẩu trang?

Khuyến cáo của Bộ Y tế cho biết, chỉ những người trong hoàn cảnh sau đây thì nên đeo khẩu trang:

Khi bắt buộc phải tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus corona.
Nên đeo khẩu trang khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với những người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi…
Khi được chỉ định tự theo dõi và cách ly tại nhà hoặc khi đi khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Hướng dẫn đeo khẩu trang y tế đúng cách

Việc đeo khẩu trang sai cách không chỉ tăng nguy cơ lây bệnh mà còn gây lãng phí tiền bạc. Dưới đây là một số hướng dẫn đeo khẩu trang y tế đúng cách mà người dân cần thực hiện để phòng tránh lây lan virus corona cũng như các bệnh truyền nhiễm khác:

  • Đeo đúng mặt: Khi đeo khẩu trang y tế, bạn cần chọn đúng mặt khi đeo để đảm bảo hiệu quả bảo vệ cao nhất. Mặt ngoài thường có màu xanh, mặt trong có màu trắng và có độ phẳng hơn.
  • Đeo đúng chiều: Nếu đeo sai chiều khẩu trang sẽ gây khó chịu trong quá trình đeo và bụi bẩn, vi khuẩn dễ xâm nhập vào bên trong. Mặt trên của khẩu trang thường gắn 1 sợi kim loại nhỏ, sợi kim loại này có thể điều chỉnh độ cong để ép sát theo hình dạng mũi, giữ kín cho vị trí tiếp xúc của khẩu trang với sóng mũi khiến vi khuẩn, bụi bặm khó xâm nhập. Mặt dưới của khẩu trang thường có đường dập liền, không có dây kim loại như mặt trên.
  • Đeo đúng cách: Khi đeo khẩu trang, dùng 2 đầu ngón tay của mỗi bàn tay đồng thời lồng 2 dây khẩu trang vào 2 tai hoặc lồng từng bên tai một sau đó chỉnh cho khẩu trang thật cân đối; tiếp theo sử dụng 1 tay để giữ phần trên khẩu trang cố định lại và kéo nhẹ phần dưới giãn ra sao cho phần dưới phủ xuống cằm; tiếp tục sử dụng ngón cái và ngón trỏ của 1 tay bóp nhẹ dây kim loại ở mặt trên khẩu trang để làm tạo độ kín giữa mũi với khẩu trang.

Lưu ý khi đeo: Điều chỉnh khẩu trang vừa khít với mặt, bao phủ phần lớn khoang mũi, miệng; khẩu trang y tế chỉ dùng 1 lần, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy cẩn thận; không cho khẩu trang vào túi quần, áo, túi xách, các túi đựng này có thể làm khẩu trang bị bẩn, nhiễm vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.

Kết hợp các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh hô hấp. Dưới đây là hướng dẫn cách súc họng của người trực tiếp điều trị khỏi bệnh cho hai cha con bệnh nhân người Trung Quốc mắc Covid-19, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM:

virus corona được chữa khỏi
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM

Sau khi đi vào vùng hầu họng, virus sẽ xâm nhập vào các tế bào niêm mạc và nhân lên, từ một con sẽ sản sinh ra hàng trăm con. Khi phát triển đủ lớn cả về số lượng và cấu trúc, chúng sẽ phá vỡ tế bào để tràn lan ra ngoài và mỗi con lại tìm cách chui vào một tế bào mới. Cứ như thế, chu trình phát triển được lặp lại nhiều lần và ngày càng đi sâu hơn vào cơ thể. Đây gọi là giai đoạn ủ bệnh.

Đến một lúc nào đó, tuỳ thuộc vào sức khỏe mỗi người, số lượng virus đủ lớn sẽ phá vỡ cơ chế tự bảo vệ của con người, bệnh sẽ phát ra. Đây là giai đoạn phát bệnh.

Việc súc họng sẽ có ích cho người chưa mắc và cả người đang mắc bệnh.

Cách súc họng phòng ngừa virut ncov như sau:

  1. Phải súc họng chứ không súc miệng. Có nghĩa là ráng để dung dịch xuống sâu nhất vùng cổ họng mà bạn có thể chịu được.
  2. Không cần quá nhiều trong một lần súc, khoảng 5 ml là đủ. Càng nhiều sẽ càng khó đưa dung dịch xuống sâu vùng hầu họng.
  3. Mỗi lần súc khoảng 2 phút, trong đó có ba lần đưa xuống họng, mỗi lần khoảng 15 giây. Sau khi súc xong, để nguyên, không súc lại bằng nước.
  4. Súc họng trước khi đi ra ngoài và ngay khi từ ngoài về nhà (hay ngay khi tiếp xúc gần với người khác). Nếu trên máy bay thì nên súc mỗi 3 giờ (với chlohexidin) hay ngay sau khi ăn.
  5. Trong vùng có dịch thì súc định kỳ theo thời gian tác dụng của mỗi loại dung dịch.
  6. Đừng chủ quan nghĩ rằng nút chặn sau cùng này thay thế được các biện pháp khác. Hiệu quả của việc phòng bệnh là sự phối hợp đồng bộ tất cả những biện pháp.

Cách ăn uống để ngăn ngừa virut n-cov

Thực hiện dinh dưỡng hợp lý để tăng cường miễn dịch cho cơ thể

– Thực hiện tốt 10 Lời khuyên dinh dưỡng hợp lý; Các khuyến cáo về tiêu thụ thực phẩm phù hợp cho mỗi nhóm tuổi (theo Tháp dinh dưỡng dành cho các lứa tuổi khác nhau, do Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế ban hành);

– Cung cấp đủ chất đạm (protein) cho cơ thể, vì đây là nguyên liệu quan trọng để tạo nên các kháng thể. Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu protein động vật (như các loại cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa…) và protein thực vật (từ các loại đậu, đỗ…).

– Cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết, như vitamin A; C; D; E; Sắt; Kẽm; Selen, đây là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

Vitamin A và Beta-caroten: vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa. Việc sản xuất các kháng thể trên bề mặt niêm mạc có tác dụng lớn trong việc chống lại sự tấn công của virus gây bệnh. Thực phẩm giàu vitamin A gồm: gan động vật, lòng đỏ trứng. Các loại rau và trái cây cũng chứa nhiều Beta-caroten (tiền chất của Vitamin A) như: cà rốt, khoai lang, bí ngô, đu đủ, và các loại quả có màu vàng/ màu đỏ…

Vitamin C:  giúp tăng cường hệ miễn dịch thông qua hỗ trợ sản xuất interferon (loại protein chống lại tác nhân gây bệnh, là thành phần đạm quan trọng của hệ miễn dịch). Đây là chất dinh dưỡng giúp ức chế sự tổng hợp của virus mới, từ đó có tác dụng chống lại virus xâm nhập. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C đến từ trái cây và rau tươi như: cam, quýt, bưởi, nho, cà chua, súp lơ, củ cải, ớt chuông…

Vitamin E: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin E có thể làm tăng đáng kể khả năng miễn dịch, giúp cơ thể đề kháng tốt hơn với các tác nhân gây bệnh. Trong cơ thể, vitamin E tham gia chuyển hóa của các tế bào; bảo vệ màng tế bào khỏi bị ôxy hóa. Thực phẩm giàu vitamin E chủ yếu có nguồn gốc thực vật như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ô liu, các loại hạt và các loại rau có lá màu xanh đậm.

Vitamin D: là một vitamin tan trong chất béo, có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Nguồn chính của Vitamin D là tổng hợp ở da dưới ảnh hưởng của bức xạ tia cực tím mặt trời B (UV-B) chiếm 80-90% và khoảng 10-20% do chế độ ăn uống, do đó, mỗi ngày cần tắm nắng từ 15-30 phút, tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản… cho bữa ăn hàng ngày.

Selen: Nguyên tố khoáng chất vi lượng selen là một chất chống oxy hóa mạnh. Đủ lượng selen sẽ giúp tăng cường khả năng chống nhiễm trùng cho cơ thể. Nguồn cung cấp selen là các loại thực phẩm như gạo nâu, lúa mạch, cá, tôm, rong biển…

Sắt và Kẽm: Sắt và kẽm giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Các loại động vật có vỏ và hải sản như: hàu, cua… là nguồn cung cấp kẽm vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, gan động vật và thịt nạc cũng rất giàu sắt, cơ thể có thể dễ dàng hấp thụ.

– Tăng cường sử dụng một số thực phẩm/gia vị chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển… giúp kích thích hệ thống miễn dịch thông qua kích hoạt các cytokin, hoạt hóa đại thực bào để thực hiện chức năng miễn dịch. Ngoài ra, nhóm thực phẩm chứa flavonoid cũng đóng vai trò quan trọng giúp tăng khả năng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch của cơ thể. Các thực phẩm giàu flavonoid như: các loại rau gia vị, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh…

– Thực hiện bổ sung vi chất dinh dưỡng (viên đa vi chất dinh dưỡng, hoặc sản phẩm dinh dưỡng có chứa vi chất sắt, kẽm, vitamin A, D, E…) nếu khẩu phần ăn không đủ các chất dinh dưỡng nói trên, hoặc khi cơ thể được bác sỹ dinh dưỡng chẩn đoán là bị thiếu vi chất dinh dưỡng.


MỘC CHÂU FOOD TƯ VẤN 1 SỐ THỰC PHẨM TỐT CHO SỨC KHỎE

Uống nước đúng cách góp phần phòng chống dịch nCov

–  Cơ thể hàng ngày cần khoảng 2 – 2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước mất qua các con đường khác nhau. Tỷ lệ 2/3 lượng nước do đồ uống cung cấp, phần còn lại do thực phẩm khác cung cấp.  Nhu cầu này phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể, hoạt động thể lực:

Nhóm tuổi và cân nặngNhu cầu nước/dịch (ml/kg)
Theo nhóm tuổi:Vị thành niên (10 – 18 tuổi)40
Từ 19 đến 30 tuổi, hoạt động thể lực nặng.40
Từ 19 đến 55 tuổi hoạt động thể lực trung bình.35
Người trưởng thành ≥ 55 tuổi.30
Theo cân nặng:Trẻ em 1 – 10 kg.100
Trẻ em 11 – 20 kg.1.000 ml + 50 ml/kg cho mỗi 10kg cân nặng tăng thêm
Từ 21 kg trở lên.1.500 ml + 20 ml/kg cho mỗi 20kg cân nặng tăng thêm

Ví dụ: Một người 50 tuổi có cân nặng 63 kg, nhu cầu nước là: 63*35 = 2.200 ml/ngày) (tương đương từ 10 đến 12 cốc nước/ngày,)

– Không được để miệng và cổ họng khô; Cần uống nước sạch, nước đun sôi để nguội, uống chậm, uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày ngay cả khi không khát;

– Không uống nước bị đun đi đun lại nhiều lần; Không uống nước nhiều trước khi đi ngủ; Không nên uống nước ngọt thay cho nước lọc. Những đồ uống chứa cồn, trà, cà phê có tác dụng lợi tiểu, nên làm tăng tốc độ mất nước qua thận do vậy cần hạn chế.

Chú ý chế độ dinh dưỡng cho một số đối tượng đặc biệt

– Đối với người cao tuổi: đặc biệt lưu ý ăn đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, trứng, lưu ý đến khẩu vị, sở thích để có thể ăn đủ số lượng. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày.

– Trẻ em: Cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn, đây là biện pháp phòng chống lây nhiễm tốt nhất với trẻ nhỏ. Tiếp tục bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng. Trẻ mẫu giáo và học sinh, cần ăn uống điều độ, đủ số lượng nếu trẻ bị biếng ăn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Nên ăn nhiều quả chín, rau xanh, uống nước ngụm nhỏ thường xuyên để giữ ẩm cổ họng, ngăn ngừa sự xâm nhập của virus, vi khuẩn.

– Những người đang mắc các bệnh mạn tính: như đái tháo đường, tăng huyết áp, Parkinson… cần uống thuốc điều trị bệnh thường xuyên, đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Thực hiện chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sỹ và chuyên gia dinh dưỡng.

Thực hiện vệ sinh nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh

– Không dùng chung đồ dùng cá nhân: như khăn mặt, bàn chải răng, cốc uống nước. Giặt khăn thường xuyên và giữ khăn luôn khô, sạch, không treo khăn mặt, khăn tắm ẩm ướt trong nhà tắm.

– Tránh để tay tiếp xúc với mặt, mắt, miệng: Trong thời gian còn dịch bệnh, nên hạn chế bắt tay hoặc ôm người khác. Nên dùng khăn giấy sạch khi cần dụi mắt hoặc lau vết bẩn. Hãy rửa tay đúng cách với xà phòng và nước ấm hoặc dùng nước rửa tay khô trước khi đeo găng tay. 

– Cẩn thận khi chạm vào các đồ vật: nên chú ý đến các vật dụng, hoặc các vị trí hay được mọi người thường xuyên tiếp xúc, sử dụng ở nơi công cộng như: tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, hay bất kỳ đồ vật nào có bề mặt tiếp xúc với tay, vì thế nên đeo găng tay khi đến các nơi công cộng như siêu thị, công viên. Rửa tay ngay sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng; sau khi rửa tay, tránh tiếp xúc vào khoá vòi nước, tay nắm cửa (có thể lót tay bằng một chiếc khăn giấy sạch để khoá vòi nước, hoặc để đóng/mở cửa, sau đó vứt khăn vào thùng rác). Tại gia đình, hãy chú ý giữ gìn vệ sinh các vật dụng như bàn phím máy tính, điện thoại để bàn, điện thoại di động, đồ chơi, laptop… , hãy lau sạch các vật dụng này thường xuyên.

– Một số biện pháp đơn giản và hiệu quả để phòng chống dịch bệnh đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế khuyến cáo như sau (theo hình dưới đây):

Trang Chủ Danh mục Giỏ Hàng
0899168266
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon